Tiểu sử Khác_Huệ_Hoàng_quý_phi

Thân thế

Khác Huệ Hoàng quý phi không rõ tên và ngày sinh, chỉ biết sinh vào tháng 8 (âm lịch) năm Khang Hi thứ 7 (1668). Bà xuất thân danh gia, là Mãn Châu Tương Hoàng kỳ Đông Giai thị, mẫu tộc của Hiếu Khang Chương Hoàng hậu - mẹ đẻ của Khang Hi Đế. Cũng như chị mình là Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu, bà cũng là một người em họ của Khang Hi Đế, là con gái của Lĩnh thị vệ Nội đại thần, Thừa Ân công Đông Quốc Duy (佟國維).

Không rõ thời điểm Đông thị nhập cung. Nếu bà cùng chị mình vào cung trong đợt đại phong năm ấy, như vậy là khoảng năm Khang Hi thứ 16 (1677), lúc ấy Đông thị chỉ mới 9 tuổi, là điều không hợp lý. Bên cạnh đó, có ghi chép năm Khang Hi thứ 36 (1697) xuất hiện đãi ngộ của Đông thị, vào lúc này bà 29 tuổi.

Như vậy bà phải nhập cung khoảng thời gian năm Khang Hi thứ 21 (1682), khi bà được 14 tuổi - độ tuổi tối thiểu của một phi tần, cho đến năm Khang Hi thứ 35 (1696), để khớp ghi chép về đãi ngộ của bà. Thuận tiện nhắc tới ghi chép này, Đông thị cùng Tuyên phi khi ấy dù chỉ là [Thứ phi; 庶妃] không rõ danh vị, song đã có đãi ngộ hàng Phi[1].

Năm Khang Hi thứ 39 (1700), sách phong Thứ phi Đông thị làm Quý phi. Tháng 12 năm đó, lấy Đại học sĩ Y Tang A (伊桑阿) cầm Tiết, bưng sách văn, tuyên sách tấn phong Quý phi[2]. Sách văn viết:

朕惟化理始自壸仪、端重温恭之选。德教彰于妇顺、实资赞翼之功。爰锡丝纶,用昭典制。尔佟氏诞育名门,夙标令问。柔嘉中节。敬慎含章,娴诗礼之风、克播清芬于彤管。协珩璜之度、宜加宠锡,兹仰承皇太后慈谕。以册宝封尔为贵妃。尔其益懋恪勤、率嫔嫱而敷内治。长怀谦谨、顾典册以答新恩。钦哉。

.

Trẫm duy hóa lý thủy tự khổn nghi, đoan trọng ôn cung chi tuyển. Đức giáo chương vu phụ thuận, thật tư tán dực chi công. Viên tích ti luân, dụng chiêu điển chế.

Nhĩ Đông thị, đản dục danh môn, túc tiêu lệnh vấn. Nhu gia trung tiết. Kính thận hàm chương, nhàn thi lễ chi phong, khắc bá thanh phân vu đồng quản. Hiệp hành hoàng chi độ, nghi gia sủng tích. Tư ngưỡng thừa Hoàng thái hậu từ dụ, dĩ sách bảo phong nhĩ vi Quý phi.

Nhĩ kỳ ích mậu khác cần, suất tần tường nhi phu nội trị. Trường hoài khiêm cẩn, cố điển sách dĩ đáp tân ân. Khâm tai.

— Sách văn Đông Quý phi

Khi đó, ba vị Chính cung - Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu, Hiếu Chiêu Nhân Hoàng hậu cùng chị gái bà là Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu đều đã tạ thế, cả Ôn Hi Quý phi cũng đã mất nên Đông Giai thị khi ấy có phân vị cao nhất trong Hậu cung, chỉ dưới Nhân Hiến Hoàng thái hậu.

Dựa vào câu ["Suất tần tường nhi phu nội trị"; 率嫔嫱而敷内治] trong sách văn, trong đó [Suất] nghĩa là thống lĩnh, [Tần tường] là chỉ chung nội đình chủ vị, thì Đông thị đương thời ở vị trí Quý phi dường như có quyền quản lý lục cung, hoặc chí ít là biểu suất đứng đầu chúng tần phi ở nội đình. Tuy điều này không rõ ràng như Kế Hoàng hậu Na Lạp thị thời Càn Long, nhưng có phần rõ ràng hơn nếu so với Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu trước đó.

Góa phụ

Năm Ung Chính thứ 2 (1724), Thanh Thế Tông Ung Chính Đế nhớ đến chị gái Quý phi Đông thị là Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu Đông thị từng nuôi dưỡng ông lúc nhỏ, mà Quý phi lại là em gái của Hoàng hậu. Do đó, Hoàng đế ra chỉ tôn phong bà làm Hoàng khảo Hoàng quý phi (皇考皇貴妃), cùng lúc ấy tấn tôn Hòa phi Qua Nhĩ Giai thị lên làm Quý phi[3].

Lúc này, Hoàng quý phi Đông thị tuổi đã cao, lại đứng đầu chúng Thái phi của Tiên Đế. Khi Khang Hi Đế còn sống, Hoàng quý phi Đông thị từng cùng Hoàng khảo Quý phi Qua Nhĩ Giai thị chăm sóc Hoàng tứ tử Hoằng Lịch. Do vậy sau khi Hoằng Lịch lên ngôi, vào năm Càn Long nguyên niên (1736), tháng 9 (âm lịch), Hoàng đế đã ra chỉ dụ tấn tôn Hoàng khảo Hoàng quý phi Đông thị cùng Quý phi Qua Nhĩ Giai thị, Thuận Ý Mật phiThuần Dụ Cần phi, đương xưng [Tứ Thái phi; 四太妃], trong đó Đông thị là người đứng đầu[4]. Tháng 11 cùng năm, chính thức tuyên phong Tứ Thái phi, Hoàng khảo Hoàng quý phi Đông thị được tôn phong làm Thọ Kỳ Hoàng quý phi (壽琪皇貴妃), lễ làm ở Ninh Thọ cung, do Càn Long Đế đích thân ngự Thái Hòa điện duyệt sách bảo[5]. Đương thời bà hay được gọi là [Thái hoàng thái phi; 太皇太妃].

Năm Càn Long thứ 8 (1743), ngày 1 tháng 4 (âm lịch), Thái hoàng thái phi Đông Giai thị qua đời, hưởng thọ 73 tuổi[6]. Càn Long Đế rất thương tiếc, đích thân đến dự tang lễ, lại lệnh 10 ngày để tang. Vào tháng 5, truy thụy hiệu cho Thọ Kỳ Hoàng quý thái phi là Khác Huệ Hoàng quý phi (愨惠皇貴妃). Ngày 11 tháng 12 (âm lịch) cùng năm đó, đưa hạ táng bà vào Hoàng quý phi viên tẩm của Cảnh lăng, tức [Song phi viên tẩm; 双妃园寝].